07/06/2022 | 01:51 AM

Một số giải pháp cho xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam

Xem: 959
(LTC) Mới đây, Tạp chí Xây dựng & Đô thị, (số 82/2022) đã đăng tải bài viết giới thiệu về một số giải pháp xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam.
Từ các phân tích, đánh giá, lựa chọn trên từng địa phương sẽ đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp triển khai nhằm đạt được mục tiêu xây dựng đô thị thông minh ở địa phương mình. Trong khuôn khổ bài viết này tác giả đưa ra một số giải pháp cơ bản nhằm giúp việc xây dựng, phát triển đô thị thông minh được triển khai thuận lợi.

Cơ chế, chính sách

Chính quyền, cơ quan chuyên môn các cấp cần xây dựng, ban hành, triển khai hệ thống cơ chế chính sách đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn của quá trình xây dựng, phát triển và chuyển đổi theo hướng xây dựng đô thị thông minh. Các cơ chế chính sách cần theo hướng hỗ trợ, khuyến khích, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền trong việc tiếp cận, ứng dụng và thực hiện hiệu quả.

Xây dựng, hoàn thiện nền tảng pháp lý

Cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền các cấp dựa vào một số khung tiêu chuẩn đang được thế giới áp dụng để nghiên cứu, lượng hóa các tiêu chí về đô thị thông minh ở các lĩnh vực quy hoạch đô thị, hạ tầng đô thị, kiến trúc đô thị, vận hành đô thị (gồm cấp nước, xử lý nước thải, giao thông, thông tin liên lạc, nhà ở, y tế, giáo dục…) tiện ích cho người dân, tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững. Xây dựng, ban hành, áp dụng các tiêu chí cơ bản của đô thị thông minh, quy hoạch đô thị thông minh trong xây dựng đô thị phù hợp với bối cảnh phát triển của Việt Nam nói chung và ứng dụng cho từng đô thị nói riêng. Xây dựng nền tảng pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn cho đô thị thông minh; xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông về đất đai, quy hoạch, giao thông, dân cư và các dữ liệu không gian đô thị khác… Xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá quá trình hình thành và phát triển đồng thời nghiên cứu ban hành các hướng dẫn xây dựng quy chế quản lý, vận hành, kiểm soát trong đó có lồng ghép sự tham gia, giám sát của cộng đồng dân cư đô thị;

Ứng dụng khoa học, công nghệ

Trong bối cảnh phát triển hiện nay cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ với các lĩnh vực phát triển của đô thị. Bên cạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị nhằm từng bước chuẩn hóa các quy trình thực hiện, rút ngắn thời gian thực hiện, đặc biệt trong các quy trình, thủ tục của công tác lập và phê duyệt quy hoạch đô thị, dự án đầu tư phát triển đô thị và nhà ở, xây dựng công trình nhằm tối ưu hóa hiệu quả công tác quản lý vận hành; Cần phải nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ trong xây dựng các giải pháp, mô hình kết nối cho thành phố thông minh, giải quyết các tính năng chính của một thành phố thông minh như mức độ tích hợp công nghệ thông tin và có thể ứng dụng toàn diện các nguồn thông tin; Ngoài ra, cần ứng dụng khoa học, công nghệ vào các thành phần thiết yếu trong phát triển thành phố thông minh như công nghệ thông minh, công nghiệp thông minh, dịch vụ thông minh, quản lý thông minh và cuộc sống thông minh…nhằm giải quyết một số vấn đề như cung cấp nước hiệu quả hơn, kiểm soát úng ngập và thoát nước, có giải pháp cho vấn nạn ùn tắc giao thông, nâng cao chất lượng của giao thông công cộng, chiếu sáng đô thị, nâng cao độ tin cậy của người dân vào các dịch vụ và hoạt động sống của đô thị… Sử dụng các công nghiệp đô thị thông minh để hỗ trợ phát triển kinh tế và kiểm soát các tác động từ quá trình đô thị hóa đến môi trường, cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội… Hình thành, kết nối dữ liệu không gian đô thị số hóa và cơ sở dữ liệu đô thị quốc gia, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cơ sở dữ liệu và quản lý các hoạt động của đô thị.

Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo

Nghiên cứu cơ chế thúc đẩy, hỗ trợ các giải pháp mang tính đột phá cả về công nghệ và phi công nghệ như: Mô hình tổ chức không gian đô thị; phát triển các loại hình công trình xanh, thông minh, ứng phó biến đổi khí hậu, các công trình có chức năng hỗn hợp; gắn xây dựng phát triển đô thị thông minh với các tiến bộ khoa học và công nghệ, ứng dụng và phát triển công nghệ mới, ưu tiên công nghệ số, kết nối 5G và sau 5G, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối (blockchain), in 3D, Internet vạn vật, an ninh mạng, năng lượng sạch, công nghệ môi trường…; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông (thiết lập nền tảng công nghệ dùng chung, triển khai chính quyền số, chính quyền điện tử…); huy động nguồn lực sáng tạo của cộng đồng, doanh nghiệp, chính quyền nhằm triển khai các giải pháp xây dựng đô thị thông minh hiệu quả.

Quy hoạch đô thị thông minh

Quy hoạch, phát triển đô thị thông minh sẽ được triển khai ở các địa phương thông qua nhiệm vụ tích hợp mô hình đô thị thông minh với các mô hình khác để định hướng phát triển đô thị một cách tối ưu nhất trong công tác quy hoạch. Cần áp dụng khoa học công nghệ thông minh trong công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị để từng bước chuẩn hóa các quy trình thực hiện, rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình, thủ tục trong công tác lập và phê duyệt quy hoạch đô thị, dự án đầu tư phát triển đô thị và nhà ở, xây dựng công trình và tối ưu hóa hiệu quả công tác quản lý vận hành. Việc phát triển đô thị thông minh chính là quá trình chuyển đổi mô hình đô thị từ phát triển dựa trên nguyên liệu hóa thạch, phát thải cao sang mô hình đô thị phát thải thấp với việc nén đô thị, tái cấu trúc đô thị sang hướng sử dụng, sản xuất năng lượng tái tạo trong giao thông đô thị và các dự án phát triển đô thị mới, tái thiết đô thị, phát triển giao thông, hệ thống quản lý năng lượng thông minh, quản lý chiếu sáng thông minh, hệ thống cảnh báo rủi ro, thiên tai được ứng dụng trên nền hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông trở thành các công cụ cho mục đích phát triển và quản lý phát triển. Quy hoạch, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đô thị thông minh cần đáp ứng được các yêu cầu bảo vệ môi trường, đảm bảo kết nối dễ dàng với các khu vực, các lĩnh vực khác bằng nhiều hình thức đa dạng; hệ thống các công trình hạ tầng xã hội cấp đô thị để nâng cao chất lượng tiện ích sử dụng. Ứng dụng công nghệ trong xây dựng, vận hành và quản lý các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, môi trường.

Phát triển các tiện ích thông minh cho dân cư đô thị

Xác định và từng bước đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tiện ích dịch vụ công cộng thông minh nhanh gọn, thuận tiện, tiện lợi trong đô thị; triển khai và cung cấp các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản trị, thương mại, hành chính…nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng đô thị thông minh với hạ tàng hiệu quả, phát triển bền vững và môi trường sống thân thiện đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả hoạt động của dịch vụ đô thị.

Khuyến khích sự tham gia của các thành phần xã hội

Về đầu tư chính quyền địa phương cần khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển và đẩy nhanh tốc độ đô thị mới công nghệ, tham gia đầu tư vào các dự án phát triển đô thị thông minh của địa phương; khuyến khích sự tham gia của người dân trong việc đầu tư cá nhân phù hợp với yêu cầu của đô thị thông minh. Về quản lý, khai thác cần khuyến khích sự tham gia của công dân, doanh nghiệp trên các lĩnh vực: Như dự toán ngân sách, quy hoạch đô thị, giao thông đô thị, bảo vệ môi trường, trị an, văn hóa giáo dục và cung ứng dịch vụ công…nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản trị của chính quyền đô thị là một nhân tố không thể thiếu để thúc đẩy sự phát triển của đô thị theo hướng bền vững.

Truyền thông hiện đại

Sử dụng các công cụ, phương tiện thông tin và truyền thông để tuyên truyền nâng cao nhận thức của chính quyền, tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội về sự cần thiết, lợi ích và tạo sự đồng thuận, hưởng ứng mạnh mẽ trong toàn xã hội trong việc xây dựng đô thị thông minh; thay đổi ý thức người dân tự nâng cao năng lực, vai trò trách nhiệm bản thân gia tăng khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại và các dịch vụ công cho phù hợp với sự phát triển của đô thị thông minh.

Phát triển nguồn nhân lực

Trong xây dựng đô thị thông minh, nguồn nhân lực phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, có sự năng động, sáng tạo và biết tiếp thu ứng dụng công nghệ mới. Chính vì vậy, xây dựng lực lượng cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố hiện nay và trong các giai đoạn kế tiếp là yêu cầu cần đặc biệt quan tâm. Để làm được điều này địa phương cần có những giải pháp để đầu tư về cơ sở vật chất và con người theo hướng trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Đẩy mạnh hơn nữa việc bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ tiên tiến, lồng ghép nội dung phát triển đô thị thông minh bền vững trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị. Từng bước xây dựng một nguồn nhân lực có năng lực, chuyên môn, trình độ để đáp ứng các yêu cầu quản lý, phát triển.

Nguồn (trích) Tạp chí Xây dựng & Đô thị, (số 82/2022)
Xem: 959

Các bài viết khác

Loading ...