28/09/2018 | 12:00 AM

Bộ Giao thông vận tải ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ (Phiên bản 1.0)

Xem: 479
(LTC) Ngày 28 tháng 9 năm 2018, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 2113/QĐ-BGTVT về việc ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Giao thông vận tải (Phiên bản 1.0)...
Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Giao thông vận tải được ban hành sẽ tạo cơ sở xác định các thành phần, hệ thống công nghệ thông tin cần xây dựng và lộ trình đầu tư, hạn chế ở mức tối đa vấn đề trùng lặp đầu tư, tiết kiệm chi phí và thời gian triển khai các hệ thống công nghệ thông tin.

Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Giao thông vận tải sẽ giúp nâng cao tính linh hoạt và đánh giá được hiệu quả đầu tư, đảm bảo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ và ứng dụng được các công nghệ mới phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của ngành và cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu xã hội.

Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Giao thông vận tải được áp dụng cho tất cả các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước do các đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải chủ trì hoặc đầu tư.

Xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Giao thông vận tải theo hướng dẫn Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 1.0 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành làm cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin. Kiến trúc Chính phủ điện tử được áp dụng cho tất cả các đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải một cách kịp thời, chính xác, đạt các mục tiêu về quản lý nhà nước và phục vụ người dân và doanh nghiệp thông qua các hệ thống công nghệ thông tin.

Theo đó Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Giao thông vận tải đưa ra các mục đích cụ thể:

1. Quy định kỹ thuật về kiến trúc thông tin, kiến trúc ứng dụng, kiến trúc hạ tầng và kiến trúc hệ thống giám sát và đảm bảo an toàn an ninh thông tin: Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Giao thông vận tải quy định kiến trúc dữ liệu ở mức độ tổng thể (đến thực thể dữ liệu quản lý) trên cơ sở nghiệp vụ và các hệ thống đang vận hành tại các đơn vị trực thuộc Bộ; Kiến trúc Chính phủ điện tử cũng quy định mô hình triển khai các ứng dụng và nguyên tắc tích hợp hệ thống; Kiến trúc hạ tầng thông tin quy định về quy hoạch các cơ sở hạ tầng thông tin hiện có của tất cả các đơn vị và các nguyên tắc đầu tư khi mở rộng hạ tầng mới; Kiến trúc giám sát và đảm bảo an toàn an ninh thông tin quy định danh mục các công nghệ bắt buộc phải áp dụng cho các hệ thống thông tin phân theo mức độ quan trọng về an ninh. Kiến trúc cũng quy định các nguyên tắc chung và quy trình cơ bản về rà soát an toàn, an ninh định kỳ và quy trình xử lý sự cố.

2. Hướng dẫn thực hiện việc kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng Cơ sở dữ liệu dùng chung và cơ sở hạ tầng thông tin: Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Giao thông vận tải được xây dựng bao gồm các hướng dẫn cụ thể về việc kết nối liên thông các hệ thống thông tin đã được đầu tư. Hướng dẫn các tiêu chí kỹ thuật để đưa vào thiết kế kỹ thuật cho các hệ thống thông tin đầu tư xây dựng mới đảm bảo khả năng kết nối và tích hợp dữ liệu với Cơ sở dữ liệu dùng chung toàn ngành.

3. Quy định về cơ cấu tổ chức cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Giao thông vận tải và các quy định đảm bảo tuân thủ kiến trúc với các hệ thống thông tin: Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Giao thông vận tải phải được cập nhật theo các quy định về nghiệp vụ và công nghệ. Do vậy, sau khi ban hành các phiên bản đầu tiên phải có quy định về tổ chức cập nhật, công bố và đảm bảo cơ chế giám sát việc đầu tư các hệ thống thông tin tuân thủ kiến trúc trong quá trình kiểm tra, nghiệm thu, thanh tra định kỳ cũng như đột xuất.

Bên cạnh đó, cũng đưa ra định hướng xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Giao thông vận tải:

1. Chiến lược phát triển ngành Giao thông vận tải: Chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 206/2004/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2004. Thực hiện chiến lược phát triển giao thông vận tải và các quy hoạch phát triển chuyên ngành Giao thông vận tải.

2. Tầm nhìn, định hướng chiến lược phát triển Chính phủ điện tử trong phát triển ngành Giao thông vận tải: Xây dựng một hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại phù hợp đặc thù của Việt Nam, phải đảm bảo tính kế thừa, tận dụng những kết quả đã có, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, song cần có những đột phá để đạt được các mục tiêu cụ thể với tốc độ nhanh hơn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của ngành Giao thông vận tải, làm nền tảng hiện thực hóa chiến lược ngành đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Ứng dụng mạnh mẽ và có hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Bộ và các cơ quan thuộc Bộ nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí hoạt động và thực hiện tốt quả trình cải cách hành chính.

3. Các nguyên tắc xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Giao thông vận tải. Việc xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Giao thông vận tải tuân thủ 15 nguyên tắc cơ bản sau:

- Phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 1.0 và các văn bản hướng dẫn liên quan;

- Phù hợp với định hướng, mục tiêu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin của quốc gia;

- Phù hợp với chiến lược, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội;

- Phù hợp với chiến lược phát triển ngành Giao thông vận tải được quy định tại Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chính Chiến lược phát triển Giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

- Các ứng dụng công nghệ thông tin cần được xây dựng hướng dấn dùng chung, có tính sử dụng cao, chung một nền tảng tích hợp;

- Phù hợp với quy trình nghiệp vụ của các lĩnh vực quản lý chuyên ngành;

- Xây dựng các Cơ sở dữ liệu dùng chung theo mô hình tập trung;

- Triển khai các ứng dụng có trọng tâm, trọng điểm;

- Không triển khai các nội dung trùng lặp với các hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia đã được đầu tư bởi các đơn vị khác;

- Bảo đảm sự kết nối, liên thông giữa các hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia trong Bộ Giao thông vận tải;

- Các giải pháp bảo mật, an toàn, an ninh thông tin được triển khai ở mọi thành phần trong kiến trúc theo nhu cầu và lộ trình đầu tư;

- Áp dụng hiệu quả các công nghệ như dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây (cloud computing), …

- Tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin của Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải;

- Tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn về dữ liệu và hệ thống thông tin đối với các chuyên ngành có tính hội nhập quốc tế cao như hàng hải, hàng không;

- Đảm bảo kế thừa thông tin và tiếp tục sử dụng các hệ thống đã chạy ổn định (bao gồm cả hạ tầng và phần mềm), cung cấp tốt dịch vụ đã đầu tư trong các giai đoạn trước, chỉ mở rộng khả năng tích hợp.

Nguồn: aita.gov.vn (Trần Thị Duyên)
Xem: 479

Các bài viết khác

Loading ...